CA TỪ TRONG NHẠC BUỒN – VIỆT NAM VÀ ÂU MỸ, AI HƠN AI?

Ngày: 25-04-2019
CA TỪ TRONG NHẠC BUỒN – VIỆT NAM VÀ ÂU MỸ, AI HƠN AI?

Âm nhạc luôn phong phú và đa dạng, bản chất của nó cụng là sự tiếp thu và phát triển

 


Âm nhạc luôn đa dạng và phong phú. Từ những bước đầu hình thành cho đến bây giờ, âm nhạc đã trải qua nhiều giai đoạn và cũng đã có hằng hà sa số những bài nhạc được ra đời. Cũng như bất kì lĩnh vực nào, bản chất của âm nhạc cũng là sự tiếp thu và phát triển. Tiếp thu từ cuộc sống, tâm tư, tình cảm của con người và phát triển từ những chất liệu sẵn có để sáng tạo nên cái mới.

Âm nhạc là một phạm trù chung, tuy nhiên nó vẫn có cái riêng khi nền văn hóa mỗi nước là khác nhau và nếu đặt lên cùng một bàn cân để so sánh thì luôn có sự khập khiễng, không hoàn hảo. 

Từ đó, nếu đặt nhạc Việt Nam cùng với nhạc Âu Mỹ lên cùng một bàn cân mang tên “nhạc thất tình” thì ắt hẳn chúng ta sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề để đi đến kết quả một cách nhất thời nhanh chóng nhất. 

Chất liệu sáng tác nhạc

Trước hết cần phải xét đến chất liệu đem đến cảm hứng sáng tác nhạc cho cả hai bên. Cái đầu tiên luôn là văn hóa, về tâm lý, truyền thống của mỗi nước. Nếu nền văn hóa phương Đông nặng về tình cảm thì nền văn hóa phương Tây lại nặng về lý trí. Cũng chính vì vậy mà nhạc thất tình Việt Nam sau năm 1975 thường không đa dạng về chủ đề, ngoài những giai điệu buồn bã sướt mướt, than vãn ỉ ôi thì xem ra cũng không có gì khác biệt. 

 
Những giọng ca nữ nhạc Việt thường lựa chọn lối tự sự ủy mị, giằng xé, than thân và mong muốn níu giữ một cuộc tình đã vỡ
 
Bên cạnh đó, nhạc thất tình Âu Mỹ là một quá trình phát triển liền mạch, đa dạng. Một phần cũng bởi vì sự đa dạng sắc tộc nhưng chủ yếu vẫn là do tư duy mạnh mẽ, có phần phóng khoáng và không bị ảnh hưởng nhiều bởi những gò bó của thuần phong mỹ tục. 
 

Những cô gái phương Tây mạnh mẽ hơn nên bên cạnh việc lựa chọn “than thân trách phận” thì các ca sĩ nữ cũng tuyên truyền lối sống độc lập, tự đứng lên sau những đổ vỡ.

Ca từ xuất phát từ những chuẩn mực khác nhau

Ca từ là một vấn đề rất khó để đem ra so sánh giữa hai nền âm nhạc mà ở đó sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau. Một câu hát tiếng Việt dịch sang tiếng Anh thì luôn gặp phải nhiều khúc mắc, không đáp ứng đủ ý. Còn một câu hát tiếng Anh nếu đem dịch sang tiếng Việt thì người nghe sẽ mất đi cảm giác thú vị ban đầu vì...nó cũng khá sến sẩm. 

Nhưng xét về mặt ý nghĩa và thông điệp thì có thể tạm bỏ qua việc dùng ngôn ngữ làm rào chắn. Bởi vì âm nhạc là vô biên giới, chỉ cần một bài nhạc chạm được đến cảm xúc của người nghe thì tức là nó đã thành công. Mà để làm được điều đó, không chỉ có những nốt nhạc hay hoặc những giai điệu cuốn hút người nghe mà còn là cách truyền đạt, cách thể hiện của người hát có đúng với thông điệp mà bài hát muốn truyền tải không, có hát đúng kĩ thuật làm hài lòng những người nghe nhạc khó tính không. 

Nhạc Việt trẻ hiện tại tất nhiên không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi nền âm nhạc Trung - Ấn như nhạc xưa nữa mà thay vào đó là sự ảnh hưởng rất lớn từ nhạc Âu Mỹ. Và tất nhiên không phải cứ sướt mướt, ủy mị hay ca từ sáo rỗng là chỉ có nhạc Việt mới có. Nếu Hồ Ngọc Hà có “Đừng đi” “dẫu sẽ chết trong vòng tay” thì Lady Antebellum cũng có “Need you now” nói lên tâm trạng đau khổ hối tiếc “mất hoàn toàn sự kiểm soát” của người con gái trong tình yêu. Và cũng như đã nói ở trên, chủ đề nhạc thất tình ở Việt Nam dường như luôn cộp mác phải là những bản ballad nhẹ nhàng, đau đớn trong khi ở thị trường Âu Mỹ, những bài hát về sự đổ vỡ mà tiết tấu nhanh, ca từ mạnh mẽ đã có một chỗ đứng nhất định.

 

Thị trường nhạc US-UK với sự đa dạng trong chủ đề tình yêu đổ vỡ

Ở một phương diện tiếp thu từ nền văn hóa Âu Mỹ, có lẽ nhạc Việt mất đi sự chân thành và khai phóng để có thể xuất hiện những bài hát về chủ đề thất tình sâu lắng “Tất cả những điều điên khùng anh nói… / Tôi có thể có người đàn ông khác vài phút sau thôi…/Nếu em không bóp cò thì anh giữ nó còn nghĩa lý gì…./…” Và thậm chí là những câu chửi thề không hề kiêng nể. Ngay cả hiện tại, nếu bạn nghe một bài nhạc Việt có những ca từ như vậy thì chắc hẳn bạn cũng thấy khá kì cục và không phù hợp. Vậy nên cho dù có so sánh ở bất kì phương diện nào thì nhạc Việt vẫn chịu thiệt thòi. Để có thể có những đột phá mới mẻ không phải chỉ cứ cần tiếp thu mà còn cần sự hòa hợp dần dần với nền văn hóa cho đến khi người nghe đã cảm thấy việc nghe những ca từ đó là bình thường. 

Mọi sự so sánh đều khập khiễng khi mỗi mảng lại có một thế mạnh riêng. Thế mạnh của nhạc Việt trong chủ đề thất tình là người nghe trong nước dễ nắm bắt được mạch câu chuyện và dễ thấu hiểu hơn với những gì mà người ca sĩ muốn truyền tải. Trong khi đó nhạc Âu Mỹ lại khó tiếp cận hơn vì nó được truyền tải ở một dạng ngôn ngữ khác. Cái hơn thua ở đây là sức hấp dẫn tới người nghe nhạc thì chắc hẳn rằng nhạc Việt thua thiệt hơn cả khi chỉ chung chung một màu mà không có nhiều đổi mới.

Cái hơn thua là sự thu hút, hấp dẫn tới người nghe nhạc

Tại sao một bộ phận giới trẻ không hề đụng đến nhạc Việt?

Đây là một câu hỏi khá nhạy cảm nhưng không phải là không nên đụng tới. Thời đại mới, khi lớp trẻ càng được tiếp cận với tiếng Anh nhiều hơn thì việc nghe và hiểu một bài hát tiếng Anh không có gì là khó khăn cả. Cũng chính vì vậy mà họ dần xa rời với nhạc Việt, cho rằng nhạc Việt thua kém dù xét ở phương diện nào đó, cũng không có nhiều khác biệt với những nền âm nhạc khác trên thế giới. Cái ủy mị trong nhạc thất tình thì ở đâu cũng có. Chọn ra một bài hát, ca từ yếu đuối, phái nữ lép vế ở nhạc Việt và nhạc Âu Mỹ đem ra so sánh thì đa phần vẫn cho rằng nhạc Âu Mỹ cao xa hơn cả. Có lẽ một phần là tâm lý sính ngoại, phần còn lại, e rằng nằm ở vấn đề khi ca từ mẹ đẻ mất đi sự duyên dáng gợi tình đầy chất thơ mà đã từng có ở những lứa nghệ sỹ sáng tác đã từng chìm đắm trong các sắc thái cảm xúc  thì sức hấp dẫn đã chuyển đến những ca từ mơ hồ của một ngôn ngữ khác. Có đáng buồn không? Khi những kẻ thất tình thực thụ thôi cầm bút và những thương vụ buôn bán tình cảm lên ngôi.

Ngày: 25-04-2019